"Trung tuần tháng 5/2018, UBND quận Thanh Xuân đã đề xuất TP.Hà Nội thu hồi...
Dự án hiếm hoi thúc tiến độ
Là doanh nghiệp có dự án nằm trong danh sách 11 dự án bị đề xuất thu hồi quận Thanh Xuân thời gian trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lương Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Landmark Holdings cho biết, không phủ nhận Thành An Tower là một dự án bất động sản tốn nhiều giấy mực của các phương tiện thông tin đại chúng bởi tình trạng chậm tiến độ trong rất nhiều năm.
Một phần do tính toán chưa phù hợp vào thời điểm đó của Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình (chủ đầu tư trước đó), một phần do biến động thị trường, đã khiến dự án từ chỗ được thị trường kỳ vọng trở thành nỗi thất vọng của nhiều người, đặc biệt là rất nhiều khách hàng.
“Việc dự án nằm trong diện bị UBND quận Thanh Xuân đề xuất thu hồi vì chậm tiến độ là thông tin có thật, tuy nhiên, chúng tôi cũng xin làm rõ hơn việc này. Xuất phát từ việc như tôi đã nói ở trên, Thành An Tower là một dự án mang tiền sử chậm tiến độ trong nhiều năm, vì vậy, công việc để giải quyết các thủ tục pháp lý với dự án là vô cùng phức tạp.
Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý và đàm phán với các khách hàng cũ, chúng tôi quyết định đổi tên dự án thành Manhattan Tower cũng với mong muốn dự án có một triển vọng mới sau khi Landmark Holdings nhập cuộc.
Tuy nhiên, phần vì sơ suất, phần vì nóng lòng muốn dự án nhanh chóng được triển khai nên bộ phận văn phòng đã không cập nhật kịp thời với UBND quận Thanh Xuân trước thời điểm có Đoàn giám sát đến làm việc vào giữa tháng 5/2018.
Vì vậy, dự án Thành An Tower vẫn nằm trong đề xuất diện thu hồi, trong khi thực tế dự án với tên gọi mới Manhattan Tower thì lại vẫn đang cấp tập triển khai, gây hoang mang với khách hàng”, ông Vinh nói và cho biết thêm, ngay sau khi có thông tin phản hồi từ các phương tiện truyền thông đại chúng, chủ đầu tư đã ngay lập tức làm việc với UBND quận Thanh Xuân, đồng thời cũng chủ động thông tin tới khách hàng về sơ suất cụ thể này trước và tại thời điểm ra mắt chính thức dự án Manhattan Tower vào ngày 28/7/2018 vừa qua, và đều đã được khách hàng chấp thuận.
Trên thực tế, theo khảo sát của phóng viên Đầu tư Bất động sản, đến thời điểm này, Manhattan Tower đã được xây dựng đến tầng 11 và công trường dự án khá sôi động hoạt động thi công.
Một số dự án bị “biến tướng” kinh doanh
Ngoài Manhattan Tower, theo khảo sát của phóng viên Đầu tư Bất động sản, đến thời điểm này hầu hết dự án bị quận Thanh Xuân đề nghị thu hồi đều vẫn đang bất động hoặc duy trì các hoạt động cho thuê, kinh doanh nhỏ lẻ khác.
Chẳng hạn, Dự án tổ hợp văn phòng dịch vụ nhà ở thuộc phường Phương Liệt có quyết định chủ trương đầu tư từ tháng 12/2008, đã được bàn giao đất, nhưng hiện chủ đầu tư là Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng và Xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà) vẫn chưa triển khai thực hiện.
Thông tin từ Công ty Hồng Hà, Dự án Tổ hợp nhà ở, văn phòng, siêu thị và nhà để xe tự động tại ngõ 109 Trường Chinh có diện tích 9.089 m2, mật độ xây dựng 38,5%, diện tích xây dựng 3.431 m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 53.199 m2 không bao gồm tầng hầm.
Trong đó, ô số 1 xây dựng tổ hợp nhà ở, văn phòng, dịch vụ, diện tích xây dựng 1.847 m2, cao 29 tầng, 3 tầng hầm. Từ tầng 1 đến tầng 5 bố trí khu dịch vụ thương mại, từ tầng 6 đến tầng 18 bố trí văn phòng, từ tầng 19 đến 29 bố trí căn hộ diện tích xây dựng 19.888 m2. Ô số 2 xây dựng nhà để xe tự động và dịch vụ cao 5 tầng, ngoài 2 tầng hầm là 4 tầng để xe nổi với diện tích xây dựng 1.231 m2, tầng 5 có diện tích xây dựng 1.584 m2 bố trí khu dịch vụ, vật lý trị liệu…
Một dự án được vẽ ra rất hoành tráng và thu hút kỳ vọng của nhiều khách hàng, nhưng dự án đến nay vẫn là con số không. Đồng thời, đã quá thời hạn buộc phải triển khai từ lâu nếu không sẽ buộc phải thu hồi, nhưng chủ đầu tư vẫn “hoãn binh” bằng nhiều lần xin thay đổi thiết kế, mặt bằng…
Trên thực tế, Công ty đã mời một số tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác đầu tư xây dựng dự án, song không hiểu do khúc mắc ở khâu nào mà chưa có bên nào quan tâm đầu tư vào dự án này.
Hiện tại, trên khu đất triển khai dự án phát sinh nhiều hoạt động kho vận, trông giữ ô tô khá phức tạp, khiến người dân xung quanh nhiều lần phải phản ánh với chính quyền địa phương.
Sau nhiều lần liên hệ đặt lịch làm việc, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản được một người tên Hùng tự giới thiệu là Trưởng phòng Tổ chức Công ty Hồng Hà, cho biết: “Thứ nhất, chúng tôi có đăng ký kinh doanh kho, bến bãi đầy đủ. Thứ hai công trình chậm là chuyện bình thường và có nhiều lý do. Hiện tại, Thành phố cũng ra quyết định gia hạn dự án rồi (!?)”.
Tại nhiều dự án khác như Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Cửu Long ở 201 Trường Chinh, chủ đầu tư là Hợp tác xã thương mại dịch vụ Cửu Long, do Công ty cổ phần Đầu tư TSG Việt Nam nắm giữ cổ phần chi phối cũng đang được “xẻ thịt” cho thuê kinh doanh dịch vụ ăn uống, bia hơi…
Nhiều nguyên nhân sai phạm
Không chỉ tại quận Thanh Xuân, theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn, từ năm 2012 trở về trước, Hà Nội có khoảng 300 dự án chậm triển khai đã được rà soát. Từ năm 2012 đến hết năm 2017, Thành phố chấp thuận triển khai 634 dự án có sử dụng đất, trong đó 118 dự án chậm triển khai. Ðáng chú ý, trong danh sách này, có những dự án đã “đóng băng” hơn thập kỷ.
Thời gian qua, công tác quản lý đất đai đã được TP. Hà Nội chú trọng, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, qua đó ra quyết định xử lý nhiều dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Ðất đai. Theo thống kê của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, từ năm 2009 đến nay, UBND thành phố đã ban hành khoảng 77 quyết định thu hồi hơn 1.800 ha đất của các dự án có sai phạm. Tuy nhiên, kết quả xử lý các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai gặp không ít khó khăn.
Theo giới chuyên gia, phần lớn các dự án chậm tiến độ xuất phát từ nguyên nhân sai giấy phép đầu tư, vướng giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, nợ nghĩa vụ tài chính hoặc tự ý chuyển nhượng dự án, cố ý giữ đất không thực hiện để đầu cơ, chờ cơ hội “sang tên” kiếm lời.
Đáng chú ý, trong quá trình kiểm tra, giám sát, các chủ đầu tư có vi phạm thường không phối hợp với các đơn vị thanh tra, kiểm tra. Nhiều chủ đầu tư có dự án trong diện này vẫn “phớt lờ”, không triển khai, hoặc triển khai theo kiểu nhỏ giọt, đối phó, gây lãng phí lớn về nguồn lực đất đai.
Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, cần phân tích, làm rõ nguyên nhân từng dự án chậm trễ, trên cơ sở đó làm căn cứ xác lập danh mục dự án phải thu hồi, để bảo đảm tính khả thi cao hơn.
“Cùng với đó, nên bám sát các định hướng phát triển của thành phố, chẳng hạn như quy hoạch vườn hoa, cây xanh, mặt nước từ năm 2014 đã xác định diện tích cần bổ sung trong khu vực nội đô là 687ha, do đó chúng ta đưa ngay một số dự án “treo” vào kế hoạch năm 2018 để đáp ứng phần còn thiếu này, bởi đây là nhu cầu thiết yếu của người dân”, ông Nghiêm tư vấn.
Nguồn: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bds-phap-luat/can-canh-cac-du-an-bi-de-nghi-thu-hoi-tai-thanh-xuan-238659.html