Theo nhu cầu phát triển của đô thị, để xây dựng một môi trường sống tốt hơn, nhà đầu tư...
Theo nhu cầu phát triển của đô thị, để xây dựng một môi trường sống tốt hơn, nhà đầu tư và người tiêu dùng đều đang có xu hướng tìm tới các dự án bất động sản thông minh.
Trước hết, có thể hiểu đơn giản, sự thông minh của một ngôi nhà là phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố thoáng khí, sử dụng tối đa năng lượng tự nhiên, tạo không gian xanh mát đáp ứng về mặt sức khỏe cho người sử dụng. Tiếp đó, nếu được bổ sung thêm các thiết bị bổ trợ cho cuộc sống thường ngày thì mặt thông minh càng được hoàn thiện hơn.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ đã và đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề và cuộc sống hàng ngày của con người, trên nền tảng số hóa và trí tuệ nhân tạo.
Chính phủ đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của cuộc cách mạng này và đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như cân nhắc phù hợp với điều kiện thực tế để đưa ra mục tiêu kế hoạch xây dựng đề án thành phố thông minh (smartcity). Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2030.
Mục tiêu là phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống… Theo đó, Việt Nam sẽ hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy TP. Hà Nội, TP.HCM, TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.
Thạc sĩ Quản lý đô thị Đinh Quốc Thái nhìn nhận, khi quỹ đất ngày càng eo hẹp, áp lực phát triển đô thị gia tăng thì việc lập quy hoạch ngầm để có thêm không gian tĩnh dưới lòng đất được xem sẽ giảm tải áp lực cho hạ tầng nổi và đáp ứng được tốc độ phát triển đô thị trong giai đoạn hiện nay. “Không gian ngầm được xem là “mỏ vàng” của kinh tế “đất” vẫn chưa được khai thác. Phát triển không gian ngầm sẽ góp phần quan trọng vào việc gia tăng diện tích cho giao thông và giải quyết vấn đề quá tải, ùn tắc. Đặc biệt giao thông ngầm cũng kết nối được nhiều tiện ích khác như không gian dành cho người đi bộ, thương mại, dịch vụ…” - ông Đinh Quốc Thái chia sẻ.
Có thể nói, những định hướng quan trọng này đã có tác động cơ bản và mạnh mẽ đến xu hướng phát triển của thị trường bất động sản. Để đón bắt xu hướng smartcity, các chủ đầu tư đã nhanh chóng phát triển các dự án bất động sản gắn với tính năng “smart” và phân khúc sản phẩm này đang tạo thêm cho bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam những mảng màu ấn tượng.
Theo chuyên gia phân tích của CBRE Việt Nam, xét về yếu tố tiềm năng của giải pháp thông minh ứng dụng trong bất động sản, với đặc điểm dân số trẻ, tỷ lệ tiếp cận internet hiện nay là 60% dân số cộng với nhu cầu tiếp cận công nghệ và học hỏi cái mới rất cao thì nhu cầu về chủng loại sản phẩm thông minh trong 5 - 10 năm tới tại Việt Nam là rất lớn.
Hiện nay, một số chủ đầu tư đã ứng dụng rất tốt yếu tố công nghệ để xây dựng tòa nhà thông minh như bãi đỗ xe thông minh. Thay vì phải hỏi, phải dừng lại tìm chỗ đỗ xe thì ngay khi xuống hầm, người dân sẽ được thông tin về số lượng chỗ trống, vị trí những nơi có thể đỗ xe.
Tuy nhiên, yếu tố thông minh trong thị trường bất động sản tại Việt Nam mới đạt được cấp độ cung cấp giải pháp thông minh cho tòa nhà. Còn việc đưa ra giải pháp tích hợp cho tòa nhà thông minh giúp tối ưu hóa cho sử dụng tòa nhà như sử dụng năng lượng tiết kiệm, rác thải,… để mang lợi ích cho người sử dụng thì vẫn còn ít. Yếu tố kết nối thành khu đô thị thông minh vẫn chưa thể hiện rõ tại các dự án mà chỉ dừng ở mức tạo khác biệt cho sản phẩm.
Nếu nói đến xây dựng và phát triển đô thị thông minh, có thể nói Việt Nam may mắn hơn một số nước. Nếu Nhật Bản, Hàn Quốc, họ gần như phát triển phần lớn các đô thị khi chưa có công nghiệp 4.0, thì Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn phát triển nhiều khu đô thị cùng lúc với công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng ở các nước khác.
Theo đó, Việt Nam có đủ nguồn lực để có thể vận dụng tốt để phát triển các khu đô thị theo ứng dụng công nghiệp 4.0 thành những khu đô thị thông minh. Nhìn ở mặt tích cực, công nghiệp 4.0 là xu hướng của toàn thế giới, nó giúp cho thị trường bất động sản nói riêng và các ngành khác nói chung được phát triển một cách đồng bộ, hiệu quả hơn.
Chia sẻ bên lề Họp báo thông tin Hội nghị Bất động sản Quốc tế IREC 2018, bà Liễu Nguyễn, Đại sứ của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết, trước sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của đô thị thông minh ở nhiều nước phát triển, các dự án nhà ở thông minh, các dự án xanh… sẽ là một phần của thị trường bất động sản Việt Nam trong tiến trình xây dựng đô thị thông minh.
Bà Liễu Nguyễn nhận định: “Riêng trong lĩnh vực bất động sản thông minh, tại một số thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều dự án nhà ở thông minh, công trình xanh. Tuy nhiên, các dự án mới dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ và mới chỉ đơn thuần là tích hợp công nghệ thông tin nhằm tối ưu hóa cuộc sống của con người.
Bên cạnh đó, mô hình đô thị thông minh ở Việt Nam đang còn sơ khai, mới ở bước đầu và cần những kế hoạch cụ thể, dài hơi hơn. Đặc biệt, có một hướng mà Việt Nam phải xem xét đó là nắm được thông tin khách hàng, khi họ bước vào thành phố là sẽ cập nhật được những thông tin cơ bản về từ tên tuổi đến sở thích, thói quen. Đó sẽ là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp, các chủ đầu tư hoạch định các chiến lược kinh doanh bất động sản phù hợp với thị trường, đáp ứng sở thích và nhu cầu của khách hàng”.
Nguồn: Bất động sản thông minh đang hình thành một phân khúc mới